Các đối tác truyền thống bất ngờ tăng nhập khẩu gạo khiến nhu cầu trên thị trường tăng cao, giúp giá gạo Việt liên tục tăng cao và trở lại vị trí cao nhất thế giới.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hiện giá gạo Việt Nam đang tăng ngược chiều so với các đối thủ Thái Lan và Pakistan. Gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn, và gạo Pakistan 34 USD/tấn.
Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất.
Đây cũng là sự trở lại ấn tượng của gạo Việt bởi cách đây một tháng, gạo xuất khẩu của nước ta đều thấp hơn gạo Thái Lan, Pakistan, và Myanmar.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, Tiền Giang - cho biết trong khoảng nửa tháng trở lại đây, công ty liên tục xuất các lô hàng sang thị trường Philippines với khối lượng tăng hơn 30% so với tháng 7.
Theo ông Đôn, thông thường những tháng cuối năm là thời điểm các nước đều tăng nhập khẩu gạo. Đặc biệt, năm nay hai thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines và Indonesia đều thông báo tăng lượng gạo nhập khẩu.
Giá gạo Việt liên tục tăng cao trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Philippines tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên 4,5-4,7 triệu tấn. Phía Indonesia có thể nhập khẩu đến 4,3 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm, do sản lượng gạo mà quốc gia này sản xuất từ đầu năm đến tháng 8 thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đặc biệt, việc Phillippines cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ mức 35% xuống còn 15% giúp các doanh nghiệp nước này mạnh dạn tăng nhập khẩu hơn so với trước. Trong khi đó, ở nước ta vụ hè - thu cũng sắp kết thúc và chuẩn bị vào vụ thu - đông. Cả 2 vụ này đều không phải là vụ sản xuất chính trong năm nên sản lượng không lớn", ông Đôn cho hay.
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông - cho rằng nhu cầu lúa gạo trên thị trường trong thời gian qua luôn duy trì ở mức cao, còn việc giá gạo biến động là do ảnh hưởng bởi tính thời vụ.
Vừa qua các doanh nghiệp Việt trúng thầu lô hàng khối lượng lớn nhưng sẵn sàng đưa ra mức giá thấp là do nguồn cung gạo được thu mua và dự trữ từ đầu năm, thời điểm Việt Nam trong giai đoạn chính vụ.
Ở thời điểm này, khi nguồn cung có hạn trong khi các nước đang tăng tốc nhập khẩu để chuẩn bị cho mùa khô hạn sang năm, giá gạo được đẩy lên cao. Ông Việt Anh dự báo nhiều khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định, và giá tăng cao đến hết năm nay nếu Ấn Độ vẫn chưa tháo bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo để ổn định an ninh lương thực trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - đánh giá nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của gạo Việt như Philippines, Indonesia, Ghana, Malaysia, Singapore... tiếp tục duy trì ở mức cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thống kê của hiệp hội cho thấy trong 7 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được trên 5,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam đang ở mức rất cao. Có thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Brunei lên tới 959 USD/tấn, sang Mỹ đạt 868 USD/tấn, Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn...
Với đà tăng nhập khẩu của các đối tác, ông Nam cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có thể cán mốc khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 5 tỷ USD - mức kỷ lục mới của ngành.
Nguồn: Giá gạo Việt tăng cao nhất thế giới - Kinh doanh - ZNEWS.VN