Vẫn chưa được nhận diện rộng rãi trên thế giới
Gạo Việt bắt đầu hành trình “bước qua lãnh thổ” để góp mặt trên thế giới từ năm 1989. Đến nay, chúng ta đã có khoảng 20 năm nằm trong top 10 và từng có thời điểm là nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới, chiếm 15% sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Song, một thương hiệu gạo Việt được “nhớ mặt, đặt tên” là điều mà chúng ta chưa thể thực hiện được trong ngần ấy năm góp mặt ở hơn 150 quốc gia trên thế giới.
Gạo Việt vẫn chưa thực sự được người tiêu dùng thế giới biết đến rộng rãi
Các thị trường truyền thống nhập khẩu gạo Việt lớn nhất có Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, một phần nhỏ ở Mỹ, châu Âu và châu Phi... Tuy nhiên, gạo Việt khi vào các quốc gia này đều là dạng bao đóng 10kg - 50kg mà không có thương hiệu quốc gia được thể hiện qua tên gọi, logo được đăng ký bảo hộ, cũng không có hoặc rất ít tên của doanh nghiệp sản xuất, có trường hợp phải xuất khẩu thông qua trung gian.
Trong khi đó, Thái Lan – một cường quốc khác về xuất khẩu lúa gạo – lại cực kỳ nổi tiếng với các giống gạo thơm cao cấp đã có lịch sử tên tuổi hàng trăm năm, đặc biệt là gạo Hom Mali (gạo hương lài). Hay Campuchia chỉ gia nhập “team xuất khẩu gạo” chưa đầy 10 năm nhưng đã sớm mang thương hiệu gạo quốc gia Campuchia len lỏi vào các thị trường châu Âu và Mỹ, đưa gạo thơm ra hơn 60 nước với tên gọi chính thức là Angkor Malis, đồng thời nổi lên với gạo ngon nhất thế giới Phka Romdoul trong 3 năm liền.
Chính vì chưa xây dựng một thương hiệu gạo hoàn chỉnh nên gạo Việt khó cạnh tranh với Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia ở những thị trường cao cấp; giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam nhiều năm nay vẫn chưa cao, thậm chí là thấp nhất trong số các nước bán gạo. Giá trị thấp, thương hiệu “mất hút” dẫn đến sự bảo chứng về chất lượng không thực sự đảm bảo. Đó là lý do vì sao gạo Việt Nam nhiều năm nay tuy xuất khẩu nhiều nhưng định vị tên tuổi trên bản đồ lương thực thế giới từ trước đến nay vẫn còn mờ nhạt.
Nhưng đã có nhiều tín hiệu đáng mừng
Câu chuyện thương hiệu gạo Việt như trên là một thực tế. Song năm 2020 có thể xem là một năm đáng mừng, phát đi những tín hiệu tích cực về một bức tranh xuất khẩu tươi sáng của ngành lúa gạo nước nhà.
Cụ thể, đến hết tháng 8/2020, nước ta xuất khẩu 4,61 triệu tấn gạo, giá bán trung bình 489,2USD/tấn, tổng giá trị khoảng 2,2 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,6% về lượng nhưng tăng đến 13% về giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức 493 – 497USD/ tấn, cao hơn Thái Lan 27USD/tấn và cao hơn Ấn Độ 15USD/tấn. Đây là lần đầu tiên trong 30 năm qua, Việt Nam vượt Thái Lan để đứng đầu thế giới về giá gạo xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch cơ cấu sang các loại gạo có giá trị cao và chinh phục các thị trường khó tính. Hiệp định EVFTA cũng sẽ là đòn bẩy giúp gạo Việt rộng cửa hơn vào các thị trường châu Âu cao cấp, khởi sắc việc xuất khẩu cả về số lượng và giá trị nhờ giảm phí trung gian và miễn - giảm thuế. Từ đó, doanh nghiệp Việt sẽ có điều kiện để tập trung vào chất lượng, đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo.
Gạo đặc sản ST24, ST25 của Việt Nam lọt top gạo ngon nhất thế giới
Hiệu ứng “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” ST24 và “Gạo ngon nhất thế giới” ST25 cuối năm 2019 cũng là một cột mốc quan trọng giúp gạo Việt cất tiếng nói mạnh mẽ hơn và có sự khẳng định rõ ràng hơn về chất lượng trên thị trường gạo thế giới.
Chú trọng chất lượng và phát triển thị trường
Theo đại diện Tập đoàn Tân Long, đơn vị xuất khẩu lúa gạo lớn đang sở hữu nhãn gạo sạch A An – để giới thiệu các loại gạo ngon, mang thương hiệu của Việt Nam ra thế giới thì trước hết cần phải xây dựng thương hiệu gạo nội địa bài bản trước. “Phải quản lý chuỗi sản xuất từ khâu bao tiêu, đặt hàng sản xuất lúa từ nông dân, xử lý sấy, dự trữ, cơ sở chế biến chuẩn chỉnh từ xay xát đến đóng gói tiêu chuẩn gắn thương hiệu ngay tại nhà máy, đồng thời bán lẻ trong nước và tích cực mời chào khách hàng quốc tế. Những thị trường yêu thích gạo Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ xây dựng kênh phân phối gạo mang thương hiệu Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Tân Long hiện đang định hướng xuất khẩu chia từng nhóm gạo theo từng thị trường. Sản phẩm gạo A An ST21, ST24 được định vị ở phân khúc cao cấp, ưu tiên phục vụ cho nội địa định hướng xuất khẩu sang thị trường cao cấp châu Âu; nhóm gạo tấm, nếp, gạo không thơm xuất sang các thị trường truyền thống; gạo giống Nhật Japonica xuất sang các nước chuyên ăn gạo dẻo như Hàn Quốc, châu Đại dương…
Gạo A An ST24 được Tập đoàn Tân Long ưu tiên phục vụ thị trường nội địa
và định hướng xuất khẩu sang thị trường cao cấp
Có thể thấy đây cũng là cách làm giúp Thái Lan xây dựng thương hiệu rất thành công trong hàng chục năm qua, bên cạnh yếu tố không thể thiếu về chất lượng. Việc xác định gạo đưa ra thị trường phải có thương hiệu đã được quốc gia này đặt làm mục tiêu hàng đầu từ cách đây gần 100 năm. Nông dân luôn mang tư duy trồng lúa gạo để xuất khẩu, gạo muốn xuất khẩu phải là gạo ngon. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng phân chia thị trường để điều chỉnh canh tác cho phù hợp. Chẳng hạn, gạo Hom Mali xuất khẩu cho Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong; gạo trắng phổ thông xuất sang châu Á và châu Phi; gạo đồ phần lớn xuất sang Tây Phi và Nam Phi…
Thái Lan cũng rất tập trung vào việc ứng dụng công nghệ, máy móc xay xát để nâng cao chất lượng hạt gạo. Ngoài ra, quốc gia này cũng rất tích cực hỗ trợ đăng ký bản quyền và quảng bá thương hiệu gạo tại thị trường quốc tế.
Xây dựng thương hiệu là một chặng đường dài mà cốt lõi vẫn là chất lượng. Chú tâm vào phát triển chất lượng sẽ nâng cao giá trị gạo, từ đó mở lối cho thương hiệu gạo Việt được định hình rõ nét.