Chiều ngày 06/10/2022, Công ty Cổ phần lương thực A An và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị.
Theo đó, hai bên đã thống nhất phối hợp hợp tác để xây dựng cánh đồng liên kết tại tỉnh Cà Mau, với diện tích tăng dần từ năm 2023 đến năm 2025. Công ty A An sẽ tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa ST24/ST25 trên nền đất nuôi tôm với các tổ chức đại diện nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, trong năm 2023 là 1.000 ha, sản lượng dự kiến 4.000 tấn và đến năm 2025 đạt 5.000 ha, sản lượng dự kiến 20.000 tấn. Ngoài diện tích tham gia liên kết sản xuất trực tiếp nêu trên, Công ty A An có thể phối hợp với các Hợp tác xã và Tổ hợp tác để thu mua thêm các giống lúa khác cho nông dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau sẽ tạo điều kiện để Công ty A An tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại các vùng nguyên liệu theo kế hoạch đã ký kết. Nhân sự kiện này, Công ty A An còn chính thức ký kết hợp đồng liên kết sản xuất thí điểm ứng dụng truy suất nguồn gốc lúa ST24/ST25 trên nền đất nuôi tôm với các Hợp tác xã: Dân Phát, Hòa Phát, Ông Đuông.
Việc ký kết hợp tác này sẽ phát huy lợi thế của các địa phương có năng lực sản xuất tốt để xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo bền vững theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; triển khai ứng dụng chuyển đổi số và cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo và phát triển tốt các giống lúa chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, đưa thương hiệu gạo A An tiến sâu vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, Giám đốc điều hành ngành gạo Tập đoàn Tân Long kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lương thực A An Trương Mạnh Linh mong muốn trở thành doanh nghiệp điển hình trong việc triển khai cánh đồng lớn thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới và đồng hành cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau trong định hướng xây dựng vùng chuyên canh lúa - tôm gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Qua đó giúp nông dân địa phương thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tạo nên những sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và quy chuẩn xuất khẩu của những thị trường khắt khe trên thế giới.
Tỉnh Cà Mau là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Do đó, việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp sẽ là điều kiện tốt để xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nông dân sản xuất lúa đã có đơn vị bao tiêu sản phẩm và giá cả ổn định, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế trong sản xuất.