(VnEconomy) Làm trong ngành lúa gạo là phải làm bằng cả kiến thức và trái tim. Đây là triết lý tuy đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc mà những người yêu hạt gạo đều tâm niệm...
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group.
Khi thương hiệu gạo A An của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long ra mắt thị trường trong nước, sản phẩm này đồng thời cũng đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Long Group khẳng định: “Chúng tôi muốn góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất gạo Việt Nam và cùng hạt gạo Việt Nam tỏa sáng trên trường quốc tế”.
TỪ NHÀ BUÔN ĐẾN "VUA THẦU QUỐC TẾ"
Năm 2000, ông Trương Sỹ Bá mở một công ty kinh doanh hóa chất. Năm 2007, trong một lần đi giao hóa chất tẩy rửa cho một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Bá chợt nhận ra chiếc xe của ông lọt thỏm giữa những dãy dài xe tải chở bắp (ngô). “Tôi vốn nghĩ loại hóa chất mình đang kinh doanh lúc đó là một loại hàng hóa có nhu cầu cao, nhưng nhìn cảnh nhà máy thu mua nông sản hôm ấy, tôi nhận ra nông sản mới là mặt hàng mà thị trường có nhu cầu lớn”, ông Bá chân thành chia sẻ.
Ngay sau đó, ông Bá quyết định chuyển hướng kinh doanh, rồi dần trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Với tính cách quyết đoán và tầm nhìn xa, ông Bá tiếp tục mở rộng phạm vi kinh doanh của công ty sang các mặt hàng nông nghiệp khác như: gạo, điều, thịt heo... Sau nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì gạo và điều đóng góp doanh thu lớn thứ hai cho Tân Long.
Cuối năm 2016, Tân Long là công ty tư nhân Việt Nam thắng gói thầu cung cấp gạo chất lượng cao cho chính phủ Hàn Quốc. Để đi vào thị trường này, gạo Japonica phải đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định gồm 280 chỉ tiêu. Đầu năm 2017, Tân Long xuất tiếp gạo Japonica đi Hàn Quốc, quy mô gấp 10 lần đợt đầu tiên. Ông Bá nhớ lại: “Đợt hàng thứ hai mang về cho Tân Long lợi nhuận khoảng ba triệu đô la Mỹ!”.
"Ngành lương thực thực phẩm như gạo là mặt hàng thiết yếu, triển vọng phát triển rất lớn. Nhưng ngành này không dễ làm bởi nếu đi đường trường và hướng đến phát triển bền vững với tầm nhìn lâu dài..."
Đến năm 2018, Tân Long lại trúng thầu 60.000 tấn gạo xuất đi Hàn Quốc. Đây là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã đánh bật các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng trọn gói 60.000 tấn gạo Japonica cung cấp cho Hàn Quốc dưới dạng đấu thầu Chính phủ. Đó là lý do vì sao khi đó, Tân Long được mệnh danh là “vua thầu quốc tế”.
Trên cuộc hành trình cạnh tranh gay gắt này, Tân Long trở thành nhà cung ứng hơn 75% gạo Japonica cho thị trường Hàn Quốc, đồng thời xuất khẩu gạo Japonica sang một số thị trường Đông Nam Á.
Giữa năm 2019, Tập đoàn Tân Long giới thiệu ba dòng sản phẩm gạo: Japonica, Jasmine (xuất xứ từ Philippines) và ST21 (lai tạo từ giống lúa đặc sản ST của tỉnh Sóc Trăng) ra thị trường Việt Nam với giá bán từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Công ty bao tiêu sản phẩm với nông dân tại các tỉnh miền Tây của Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long khẳng định: “Ngành lương thực thực phẩm như gạo là mặt hàng thiết yếu, triển vọng phát triển rất lớn. Nhưng ngành này không dễ làm bởi nếu đi đường trường và hướng đến phát triển bền vững với tầm nhìn lâu dài thì phải đầu tư cho toàn chuỗi, phải hình thành nên mối liên kết sản xuất - tiêu thụ, từ bao tiêu vùng nguyên liệu đến cả xây dựng kênh bán hàng. Ngoài các nguồn lực còn phải có tâm huyết rất lớn, rất bền bỉ để tạo nên sản phẩm thực sự chất lượng cho người tiêu dùng và đảm bảo lợi ích cho nông dân”.
Với việc xác định gạo nội địa là mục tiêu chính, khi xây dựng thương hiệu gạo A An, công ty chỉ sử dụng các giống lúa chất lượng cao, như: ST21, ST24 và gạo Japonica tạo ra dòng sản phẩm “gạo lành ngon cơm”.
LÀM GẠO VIỆT CHO NGƯỜI VIỆT
Theo ông Bá, người tiêu dùng không chỉ cần ăn ngon, đảm bảo yếu tố sạch mà còn phải tiện lợi. Do vậy, doanh nghiệp làm lúa gạo buộc phải xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ bao gồm các kênh phân phối rộng và tiện lợi, hệ thống dịch vụ, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, giao hàng nhanh chóng, đón kịp xu hướng tiêu dùng online, ứng dụng công nghệ trong quản trị hệ thống bán hàng đối với các kênh phân phối...
Ông Bá nhẩm tính: “Tổng sản lượng gạo tiêu dùng trong nước khoảng 11 triệu tấn/năm. Trong đó gạo đóng túi có thể truy xuất được nguồn gốc và được xây dựng thương hiệu một cách bài bản ước lượng chiếm khoảng 10% - 15%/ tổng tiêu dùng gạo, nghĩa là ở mức 1,6 - 1,7 triệu tấn. Và mục tiêu của chúng tôi là nỗ lực đưa A An hướng đến 10% của con số 1,6 - 1,7 triệu này. Triển vọng cho mảng gạo tiêu dùng nội địa rất lớn”.
Hướng đi của gạo A An là chọn khai thác và phục vụ những sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao cho thị trường, giúp người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm để đưa ra lựa chọn phù hợp. “Tất nhiên để làm được điều này cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư rất lớn về hạ tầng. Bên cạnh việc chọn lọc và cấu trúc lại vùng nguyên liệu chiến lược, chúng tôi đang nâng cấp đồng bộ quy mô và ứng dụng công nghệ tại các nhà máy chế biến để nâng cao năng suất sấy trữ”. “Đặc biệt, khi nhà máy gạo Hạnh Phúc hoàn thiện, toàn bộ sản phẩm gạo đóng túi thương hiệu A An sẽ được xử lý và đóng gói tại đây” ông Bá chia sẻ.
Tập đoàn Tân Long hiện bao tiêu sản phẩm với nông dân tại các tỉnh miền Tây của Việt Nam.
Tân Long hiện có một hệ thống 5 nhà máy gạo, đều đặt ở các vùng nguyên liệu Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang. Riêng với nhà máy Hạnh Phúc, khi đi vào hoạt động có quy mô sấy trữ lên đến 240.000 tấn với 80 silo công nghệ cao. Đây cũng là nhà máy thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất gạo đóng túi A An phục vụ nội địa theo định hướng của Tập đoàn trong tương lai. Các nhà máy còn lại sẽ chuyên xử lý nguyên liệu, phục vụ hoạt động bán buôn xuất khẩu.
“Trong tương lai, chúng tôi có thể sẽ mở rộng hệ thống nhà máy gạo tại đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Bắc”, ông Trương Sỹ Bá tin tưởng.
ĐẶT NIỀM TIN VÀO THẾ HỆ TRẺ
Đến thăm Tân Long Groups, dù nói chuyện với nhân viên nào thì chúng tôi cũng đều có chung một nhận định: Sếp Bá là người trọng dụng nhân tài và rất quan tâm đến vấn đề nhân sự.
Ông Bá quan niệm rằng yếu tố cốt lõi quyết định thành công của doanh nghiệp là con người, nhất là thế hệ trẻ - những người giàu nhiệt huyết, xông xáo và quyết tâm. Ông từng nói: “Chính thế hệ trẻ là nhân tố cốt lõi cho sự phát triển của đất nước sau này, dù cho các bạn hoạt động ở lĩnh vực nào và ở vị trí nào”.
Tại Tân Long, đặc biệt ở mảng nông sản, mảng gạo, rất nhiều bạn trẻ, thậm chí ở độ tuổi 9X đã trở thành quản lý và cán bộ chủ chốt. Thực tế khi được tin tưởng trao quyền, cộng với sự nỗ lực của bản thân và tinh thần dám dấn thân, những bạn trẻ này đã chứng minh khả năng của mỗi người là không giới hạn.
Ông Bá từng đúc kết: “Trong kinh doanh, thương trường là một chiến trường rất khắc nghiệt. Tuổi trẻ là một tài sản vô giá để học hỏi, trau dồi, trải nghiệm và trưởng thành. Cứ đam mê, tiến về phía trước. Quan trọng là cũng cần tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe, tiếp thu lẫn nhau và thậm chí là đứng lên sau những thất bại. Sự cộng hưởng của tất cả yếu tố ấy sẽ khiến cá nhân lớn mạnh. Cá nhân lớn mạnh thì sẽ đưa tập thể lớn mạnh”.
Ông Bá quan niệm rằng yếu tố cốt lõi quyết định thành công của doanh nghiệp là con người, nhất là thế hệ trẻ.
Với quan niệm như thế, ông Bá thậm chí còn coi từng người nông dân trên cánh đồng giống như là một nhân sự của Tập đoàn Tân Long vậy. Ông Bá bảo: “Đã làm nông nghiệp thì phải gắn với cánh đồng, gắn với nông dân. Tôi cũng là một người con lớn lên từ vùng quê nhiều vất vả nên càng hiểu khao khát và nỗ lực vươn lên từ đồng, từ ruộng của những người làm nghề nông”.
Bởi thế, ông Bá chủ trương làm gạo phải làm theo chuỗi, làm từ gốc chứ không thể chỉ làm phần ngọn là thu mua - đóng gói. Tập đoàn Tân Long đã sớm áp dụng mô hình hợp tác xã kiểu mới, hướng tới mục tiêu phổ biến mô hình kinh doanh gạo bền vững cùng người nông dân trồng lúa tại Việt Nam.
Ông Trương Sỹ Bá quả quyết: “Việc phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới tập hợp được đông đảo nông dân trên mô hình cánh đồng lớn. Năng lực liên kết sản xuất tiêu thụ với doanh nghiệp là khâu then chốt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp, giúp nâng cao giá trị gia tăng, phát triển lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp, từ đó phát triển bền vững ngành lúa gạo”.
Hiện tại, ngoài trụ sở chính đặt tại Hà Nội, Tân Long còn có các chi nhánh tại Đồng Tháp, Đà Nẵng, Tp.HCM và Hải Phòng. Tập đoàn cũng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều nước như Campuchia, Singapore, Myanmar, Ai Cập, Philippines, Guinea Bissau, Cote D’ivoire (Bờ Biển Ngà) và Tazania.