Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, PV Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Tân Long về thị trường nông nghiệp Việt Nam, ngành mà ông dành cả tâm huyết cuộc đời để phát triển.
Chào ông, chúc mừng ngày doanh nhân Việt Nam. Ông từng chia sẻ rằng xuất phát từ nhu cầu lớn của thị trường đối với mặt hàng nông sản nên Tân Long đã có sự chuyển hướng kinh doanh sang cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sau đó là lúa gạo, hạt điều... và gần đây là trở thành ông bầu của SLNA. Ông có thể chia sẻ thêm về những cơ duyên này?
Ông Trương Sỹ Bá: Cơ duyên đến với nông nghiệp như tôi đã chia sẻ. Còn đến với bóng đá thì là tấm lòng dành cho quê hương. Tôi cảm thấy rất vui vì giúp cho đội bóng quê hương ngày càng đi lên, đào tạo đội ngũ trẻ thi đấu trong các giải quốc gia hay bồi dưỡng những cầu thủ chất lượng góp mặt trong đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế.
Và suy cho cùng, làm nông nghiệp hay bóng đá thì ngoài mục tiêu kinh doanh, chúng tôi còn hướng đến trách nhiệm với nông dân, với xã hội và cộng đồng.
Việt Nam là quốc gia mạnh về nông nghiệp thế nhưng để làm giàu từ nông nghiệp chắc hẳn không phải là chuyện dễ dàng thưa ông?
Ông Trương Sỹ Bá: Thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, vụ lúa đông xuân năm 2022 đạt 19,98 triệu tấn, giảm 649.000 tấn so với vụ đông xuân năm 2021.
Tính đến trung tuần tháng Chín, diện tích gieo cấy lúa mùa cả nước đạt 1,505 triệu ha, bằng 100,2% cùng kỳ năm trước. Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 1,9 triệu ha, giảm 38.600 ha so với vụ hè thu năm trước, trong đó giảm chủ yếu ở vùng ĐBSCL với 32.900 ha. Tính đến ngày 15/9/2022, các địa phương đã thu hoạch được 1,8 triệu ha lúa hè thu, chiếm 95,5% diện tích gieo cấy và bằng 100,3% cùng kỳ năm trước, ước tính năng suất lúa hè thu cả nước năm nay đạt 56,4 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2021; sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, giảm 340.000 tấn.
Những con số ấy nói lên nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp trên quy mô lớn vẫn còn gặp khó khan bởi nhiều nguyên do.
Nền nông nghiệp nước ta phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mang tính mùa vụ, tập quán canh tác manh mún và tích tụ ruộng đất là những rào cản lớn để thực hành cánh đồng lớn. Cũng xuất phát từ những đặc điểm này mà nông sản trong nước khó xuất khẩu vì sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm không đảm bảo các yếu tố về chất lượng theo tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, đa số vẫn còn xuất thô, chưa qua chế biến sâu khiến cho giá trị nông sản xuất khẩu không cao… Đó là những lý do chính khiến cho nông sản Việt Nam chưa được định vị cao tại thị trường quốc tế và thị trường xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Việc đầu tư bài bản vào nông nghiệp cũng không thể tạo nên những hiệu quả mang tính đột biến trong thời gian ngắn hạn mà phải là câu chuyện của đường dài. Chẳng hạn, làm lúa gạo phải làm từ gốc, đầu tư vào toàn chuỗi từ liên kết cánh đồng đến bao tiêu thu hoạch, xử lý sau chế biến, sau đó mới là thị trường đầu ra.
Để thay đổi từ làm nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, con đường duy nhất là phải liên kết Nhà nước – Doanh nghiệp – Hợp tác xã và nông dân để hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất lớn, định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tăng hàm lượng sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.
Trong chiến lược dài hạn, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế nên để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và triển khai bài bản theo con đường như trên thì rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trên nhiều phương diện như: các thể chế liên quan đến tích tụ ruộng đất, lãi suất ưu đãi trong đầu tư nông nghiệp, chính sách thuế…
Một yếu tố nữa là tay nghề của nông dân Việt Nam. Nếu so sánh với các quốc gia khác, như Mỹ, Nhật, nông dân ở những nơi này làm việc rất chuyên nghiệp và thậm chí làm chủ cả một nông trại. Dường như, cái thiếu của nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam là sự hiện đại hoá và chuyên nghiệp hoá, thưa ông?
Ông Trương Sỹ Bá: Đây vẫn là câu chuyện của phát triển nông nghiệp trong thời gian dài hạn và tầm nhìn chiến lược. Về phía doanh nghiệp, phải hình thành nên mối liên kết chặt chẽ với hợp tác xã và nông dân là triển khai cánh đồng lớn thực sự.
Cần phải có một doanh nghiệp mạnh dạn và tiên phong trong chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ từ những cánh đồng vừa đến những cánh đồng lớn. Cần phải giúp nông dân tham gia vào các hợp tác xã hiểu được rằng vì sao tham gia mô hình này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn? Đó là vì trong mô hình liên kết, trên những cánh đồng rộng hàng nghìn, hàng chục nghìn ha, chúng tôi đưa máy móc vào canh tác. Tất cả các khâu từ cày bừa, làm đất, san phẳng mặt ruộng, gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch… đều cơ giới hóa và có sự theo sát của kỹ sư nông nghiệp.
Như vậy sẽ giải phóng sức lao động cho nông dân, tiết kiệm nhân công, vật tư phân bón, tiết kiệm nước. Quan trọng nhất là từ đây sản phẩm được kiểm soát rất tốt về chất lượng, từ kiểm soát dư lượng đến kiểm soát vật tư đầu vào, truy suất nguồn gốc, đạt các tiêu chí của các nước nhập khẩu. Khi đó thương hiệu nông sản Việt Nam mới tiến xa trên thế giới.
Được biết bên cạnh lúa gạo, ông cũng đồng thời còn là Chủ tịch HĐQT của BaF Việt Nam – một công ty về chăn nuôi với quy mô lớn và tham vọng cạnh tranh xứng tầm với doanh nghiệp FDI. Việc tham gia ngành chăn nuôi xuất phát từ đâu và mục tiêu của ông đối với ngành này như thế nào?
Sau lúa gạo, chăn nuôi là mảng lớn thứ 2 của nông nghiệp Việt Nam nhưng phần lớn tỷ trọng lại đang nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Tôi nghĩ rằng, trên chính đất nước của mình, một đất nước phát triển về nông nghiệp thì cần có một doanh nghiệp tiên phong với quy mô và tầm nhìn phát triển xứng tầm với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nó xuất phát từ khát vọng và tinh thần vì màu cờ sắc áo quốc gia.
Lý do thứ 2, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Có thể thấy chăn nuôi đang là thị trường tỷ đô và dư địa phát triển trong lĩnh vực này là cực kỳ lớn. Tuy nhiên, đây lại là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt heo tiêu thụ không có thương hiệu. Rất cần có sản phẩm thịt sạch mà người tiêu dùng hoàn toàn tin tưởng và yên tâm với mức chi phí phù hợp.
Những yếu tố trên là điều kiện, yêu cầu và cũng là lợi thế để chúng tôi mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi. Dự kiến đến năm 2030, công ty BaF sẽ xây dựng được mạng lưới 100 trang trại công nghệ cao và tổng đàn đạt khoảng 6 triệu con. Đầu tháng 9 vừa qua, BaF cũng đã vượt qua kỳ đánh giá tiêu chuẩn khắt khe về chứng nhận tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P CFM 3.0 và FSSC 22000. Đây là tiêu chuẩn cao nhất về hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, tôi muốn chia sẻ về một điểm rất khác biệt của thịt heo BaF, đó là công thức dinh dưỡng chăn nuôi độc quyền. Chúng tôi nghiên cứu và sản xuất thức ăn chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ, không bán thương mại ra ngoài thị trường – thức ăn 100% từ thành phần gốc thực vật. Cùng với quy trình chuỗi con giống nhập khẩu từ nước ngoài, chuồng trại công nghệ, có thể khẳng định BaF đang đi đúng định hướng chỉ làm thịt sạch và chỉ bán thịt sạch.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhà đầu tư.