(Nông nghiệp) Tập đoàn Tân Long đặt mục tiêu sản xuất hơn 1.000.000 tấn gạo trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Tập đoàn đang hoàn thiện chuỗi lúa gạo khép kín.
Những trăn trở của người trồng lúa
Theo nông dân, việc doanh nghiệp bao tiêu thực tế đã giải quyết được đầu ra cho người trồng lúa, giúp nông dân mạnh dạn xuống giống và an tâm canh tác hơn, ít phụ thuộc vào thương lái.
Đảm bảo vấn đề thu mua lúa đầu ra, giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào và cải thiện kỹ thuật canh tác hiện đại vẫn là trăn trở lớn của người trồng lúa. Ảnh: KL.
Tập đoàn Tân Long đặt mục tiêu sản xuất hơn 1.000.000 tấn gạo trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Tập đoàn lên kế hoạch liên kết với nông dân thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới và hoàn thiện chuỗi lúa gạo khép kín, cơ sở chế biến - xử lý lúa gạo sau thu hoạch hiện đại.
Tuy nhiên không chỉ là vấn đề thu mua, rất nhiều nông dân và các hợp tác xã mong muốn được cải thiện canh tác thông qua việc tăng cường cơ giới hóa. Tiếp cận với các phương pháp, kỹ thuật mới và hiểu về các tiêu chuẩn trồng lúa chất lượng cao, giá trị cao, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Quan trọng hơn, bản thân mỗi người nông dân rất quan tâm đến canh tác sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bởi đó không chỉ là vấn đề sức khỏe, giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, tạo ra sản phẩm sạch tăng thu nhập mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cải tạo đất và chính sức khỏe của người trồng lúa.
Thực tế, tuy ĐBSCL vẫn đang là vùng kinh tế trọng điểm này - trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia và hàng năm xuất khẩu 5-6 triệu tấn gạo với kim ngạch từ 2-3 tỷ USD; song nếu vẫn giữ tập quán canh tác cũ, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa có sự liên kết canh tác trên những cánh đồng lớn thì trồng lúa vẫn chưa thể giàu.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long - Ông Trương Sỹ Bá (giữa) cùng các diễn giả là nhà khoa học tại Hội thảo cánh đồng Hạnh phúc do Tập đoàn tổ chức tháng 4/2022. Ảnh: KL.
Và khát vọng của một doanh nghiệp làm lúa gạo tâm huyết
Trung tuần tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Tân Long vừa tổ chức Hội thảo Cánh đồng hạnh phúc. Tập trung đông đảo nông dân, các hợp tác xã và các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến sản xuất lúa gạo. Đặc biệt, trong lần tổ chức thứ 3, Tập đoàn Tân Long hướng đến chủ đề chính là Liên kết sản xuất lúa gạo bền vững và triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Theo chia sẻ từ ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn, cánh đồng mẫu lớn đã được triển khai từ lâu. Đến nay, Tập đoàn Tân Long hướng đến việc triển khai những cánh đồng mẫu lớn thực sự hiệu quả thông qua việc liên kết với nông dân theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Trong mô hình hợp tác xã kiểu mới, doanh nghiệp tham gia góp vốn và điều hành hợp tác xã, bao tiêu toàn bộ lúa canh tác sau thu hoạch; nông dân tham gia tích tụ ruộng đất. Khi mô hình đủ lớn và tập trung được số lượng đông đảo hợp tác xã sẽ thành lập liên hiệp hợp tác xã theo mô hình tập đoàn.
Cánh đồng lúa organic được Tập đoàn Tân Long liên kết và bao tiêu cùng nông dân. Ảnh: KL.
Mô hình thành công sẽ ứng dụng được đồng bộ kỹ thuật canh tác tiên tiến trên cánh đồng quy mô lớn; tiết kiệm các chi phí vật tư nông nghiệp; chuyển sang định hướng sử dụng phân bón hữu cơ, ít ảnh hưởng đến chất lượng đất canh tác. Từ đó có thể canh tác lâu dài với chi phí ngày càng thấp hơn và sản phẩm lúa gạo ngày càng chất lượng hơn, truy suất rõ ràng nguồn gốc. Giảm giá thành trong sản xuất chính là con đường giúp tăng lợi nhuận cho người trồng lúa. Với chuỗi liên kết này, chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường cao cấp, nâng cao giá trị gia tăng, mang lại lợi ích cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp.
"Chúng tôi tích cực liên kết với nông dân và mở rộng bao tiêu theo mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững, hướng đến tầm nhìn quy mô sản xuất hơn 1 triệu tấn gạo thành phẩm chất lượng cao trước năm 2030", Chủ tịch HĐQT Tân Long nhấn mạnh.
Tập đoàn Tân Long xây dựng nhà máy gạo Hạnh Phúc quy mô lớn nhất Châu Á tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ảnh: KL
Hiện nay, Tập đoàn Tân Long đã xây dựng và đưa vào vận hành chính thức 4 nhà máy gạo, nhà máy gạo thứ 5 – nhà máy gạo Hạnh Phúc vừa khánh thành giai đoạn 1 vào quý 1 năm 2022, đều đặt tại ĐBSCL, với tổng diện tích đạt 470.000m2 - Công suất sấy hơn 4.000 tấn/ngày - Tổng sức chứa 400.000 tấn. Trong đó, Nhà máy gạo Hạnh Phúc đang là nhà máy có quy mô lớn và hiện đại nhất Châu Á. Trong tương lai, Tân Long sẽ tiếp tục xây dựng thêm 3 nhà máy mới, nâng tổng sức chứa toàn hệ thống lên 1 triệu tấn và năng suất xử lý - xay xát tương đương 2 triệu tấn lúa/năm.
Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm trên thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu…Thương hiệu gạo A An của Tập đoàn Tân Long sau 3 năm ra mắt thị trường nội địa cũng phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm gạo đóng túi từ các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, ST24 organic, ST25 lúa tôm… Cam kết gạo sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn thế giới.
Đây là những nguồn lực và lợi thế rất quan trọng trong hệ sinh thái nông nghiệp của Tập đoàn Tân Long giúp đảm bảo được đầu ra cho nông dân, tiếp nhận và xử lý lúa sau thu hoạch đảm bảo được chất lượng tốt nhất mà không bị phụ thuộc vào thời gian vụ mùa.
KHÁNH LINH